Hoàng tử bé

Chương 21
Đối với tớ hiện giờ cậu chỉ là một cậu bé hoàn toàn giống trăm nghìn cậu bé khác. Và tớ chẳng cần gì ở cậu. Và cậu cũng chẳng cần gì ở tớ. Tớ đối với cậu chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo. Nhưng, nếu cậu cảm hoá tớ, cậu sẽ là duy nhất trên đời...
– Tớ bắt đầu hiểu, ông hoàng nhỏ nói. Có một bông hoa... tớ nghĩ là nàng cảm hoá tớ...
– Có thể lắm, cáo nói. Có thể gặp mọi sự trên trái đất này...
– Ồ! Không phải trên trái trái đất này đâu, ông hoàng nhỏ nói.
Con cáo có vẻ chú ý:
– Trên một hành tinh khác à?
– Phải.
– Trên hành tinh ấy, có thợ săn không?
– Không.
– Thế thì hay đấy. Thế còn gà?
– Không.
– Chả có điều gì là hoàn hảo cả! Cáo thở dài.
Nhưng rồi cáo trở lại với ý nghĩ của nó:
– Đời tớ tẻ nhạt. Tớ săn gà, người săn tớ. Tất cả loài gà đều giống nhau, và tất cả loài người đều giống nhau. Vì thế, tớ hơi chán. Nhưng nếu cậu cảm tớ, đời tớ sẽ rực nắng. Tớ sẽ nhận ra một bước chân khác hẳn mọi bước chân khác. Các bước chân khác sẽ làm cho tớ chui ngay xuống đất. Nhưng bước chân của cậu lại sẽ gọi tớ từ hang chạy ra, như là một điệu nhạc. Và cậu hãy nhìn kia! Cậu thấy không, ở kia, những đồng lúa mì ấy? Tớ không ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì đối với tớ chẳng có gì khêu gợi. Cái đó buồn lắm. Nhưng cậu có mái tóc màu vàng kim. Thế thì sẽ rất tuyệt một khi cậu cảm hoá tớ! Lúa mì, vốn màu vàng kim, sẽ gợi cho tớ kỷ niệm về cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trong lúa mì...
Cáo im lặng và nhìn ông hoàng nhỏ một lúc lâu:
– Nếu cậu vui lòng, hãy cảm hoá tớ đi, cáo nói!
– Tớ cũng muốn thế lắm, ông hoàng nhỏ trả lời, nhưng tớ không có nhiều thì giờ. Tớ cần tìm kiếm nhiều bạn và tìm hiểu bao nhiêu sự vật.
– Người ta chỉ hiểu được những vật người ta đã cảm hoá, cáo nói. Loài người bây giờ không còn đủ thì giờ hiểu cái gì hết. Họ mua những vật làm sẵn ở các nhà buôn. Nhưng không ở đâu có nhà buôn bạn, con người không có bạn nữa. Nếu cậu muốn có một người bạn, hãy cảm hoá tớ!
– Phải làm sao? ông hoàng nhỏ hỏi.
– Phải thật kiên nhẫn, cáo trả lời. Ban đầu cậu hãy ngồi hơi xa tớ một tí, như thế, ở trong cỏ. Tớ dưa mắt liếc nhìn cậu, và cậu chẳng nói gì cả. Ngôn ngữ là nguồn gốc của ngộ nhận. Nhưng mỗi ngày, cậu có thể ngồi gần một tí...
Ngày hôm sau, ông hoàng nhỏ trở lại.
– Tốt hơn là nên đến đúng giờ như hôm trước, cáo nói. Nếu cậu đến, chẳng hạn như lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ, tớ đã cảm thấy hạnh phúc. Thời khắc càng trôi, tớ lại càng hạnh phúc. Đến bốn giờ thì tớ phát cuồng lên và lo lắng, và tớ sẽ hiểu cái giá của hạnh phúc! Nhưng nếu cậu đến bất cứ lúc nào, tớ sẽ chẳng bao giờ biết khi nào nên sửa soạn cho trái tim của tớ... Phải có nghi thức chứ.
– Nghi thức là cái gì? ông hoàng nhỏ hỏi.
– Đó cũng là cái bị quên lâu quá rồi, cáo nói. Đó cũng là cái làm cho một ngày trở nên khác những ngày khác, một giờ trở nên khác những giờ khác. Có một nghi thức, chẳng hạn của bọn thợ săn của tớ. Mỗi thứ năm, họ khiêu vũ với các cô gái trong làng. Thế thì thứ năm là một ngày kỳ diệu! Hôm ấy tớ có thể rong chơi đến tận vườn nho. Nếu bọn thợ săn mà khiêu vũ bất cứ ngày nào, thì ngày nào cũng như ngày nào, tớ sẽ chẳng có ngày nào được nghỉ nữa.